Theo đó, bệnh lupus ban đỏ hệ thống là một bệnh tự miễn điển hình, gây tổn thương đến hầu hết các hệ cơ quan trong cơ thể. Nếu bệnh trở nặng, không được điều trị kịp thời và phù hợp có thể đe dọa đến tính mạng người bệnh.
Nguyên nhân gây bệnh lupus ban đỏ chưa được xác định chính xác là do đâu và có thể là do sự phối hợp của nhiều yếu tố. Trong đó bao gồm:
- Di truyền: Người thân ruột thịt của bệnh nhân bị lupus ban đỏ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với người bình thường.
- Nội tiết: Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ sẽ có khả năng mắc bệnh nhiều hơn so với nam giới.
- Môi trường: Các yếu tố khách quan như hóa chất, nhiễm khuẩn hay ánh nắng mặt trời cũng có thể gây bệnh lupus ban đỏ.
Dấu hiệu bệnh
Theo ThS. BS Lệ Linh, triệu chứng của bệnh lupus ban đỏ thường không rõ rệt và khá mơ hồ, có những biểu hiện không đặc trưng nên rất khó phát hiện bệnh. Chúng có thể xuất hiện đột ngột hay sau đó rất lâu đến vài tháng, thậm chí là vài năm.
- Có đến 90% bệnh nhân có những biểu hiện không đặc hiệu như mệt mỏi, sốt nhẹ, sụt cân, rụng tóc, viêm loét miệng, đau mỏi cơ/ khớp và rối loạn kinh nguyệt ở nữ giới.
- Khoảng ¾ bệnh nhân xuất hiện ban đỏ trên da: ban cánh bướm ở mặt (ở hai gò má bắc cầu qua sống mũi).
“Rất khó để có thể xác định được bệnh lupus ban đỏ bởi các triệu chứng giống với nhiều bệnh lý khác, bởi vậy cần phải thực hiện các xét nghiệm chuyên biệt thì mới xác định được bệnh” - ThS. BS Trần Lệ Linh nói.
Có đến 1/3 số người bị bệnh lupus ban đỏ mắc hội chứng Raynaud - hội chứng khiến mạch máu cung cấp máu đến da nhỏ lại, cản trở tuần hoàn, ngón tay, ngón chân sẽ bị tê và chuyển màu sang trắng hoặc tím.
Các tổn thương do lupus ban đỏ
Bệnh lupus ban đỏ hệ thống gây tổn thương cho hầu hết các cơ quan trong cơ thể.
- Tim: Tràn dịch màng tim, viêm cơ tim;
- Phổi: Tràn dịch màng phổi, viêm phổi;
- Thận: Viêm cầu thận;
- Hệ thần kinh: Rối loạn tâm thần, co giật;
- Hệ tạo máu: Xuất huyết, thiếu máu...
Những tổn thương này thường xuất hiện trong giai đoạn toàn phát của bệnh, xảy ra trong 50 - 85% số bệnh nhân và cũng là nguyên nhân gây tử vong chính.
Phòng tránh và điều trị bệnh
Để phòng bệnh lupus ban đỏ, bác sĩ Lệ Linh khuyên mọi người cần việc tăng cường chất lượng cuộc sống, chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh, phòng tránh nhiễm khuẩn và tránh tiếp xúc với tia cực tím... cũng có thể giảm thiểu tác hại.
Và vì bệnh lupus ban đỏ không thể trị khỏi hoàn toàn nên việc điều trị sẽ nhắm vào việc kiểm soát triệu chứng và hạn chế các tổn thương nội tạng nặng.
Xem thêm tại: https://globedr.com/post/2f754b41575969445848437058424e45394e344830773d3d